Tin tức chung
Cần có thời gian chuẩn bị để hội nhập
Thứ tư, 27/6/2018 3:59:00 PM

Đang phải “tự bơi”

- Nhiều ý kiến cho rằng, ngành mía đường đã được bảo hộ quá nhiều trong thời gian dài và dù được bảo hộ như vậy nhưng vẫn “sống lay lắt”. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

- Đó là ý kiến của những người không hiểu gốc rễ của ngành mía đường, họ chỉ nhìn hời hợt mà chưa có sự thấu đáo.

- Ông có thể giải thích rõ hơn không?

- Trước năm 1995, nước ta chỉ có một vài nhà máy đường thời kỳ bao cấp để lại với công suất 200 - 300 nghìn tấn/năm nên phải nhập khẩu đường. Khi đó cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã yêu cầu phải giải quyết được vấn đề này nên đã chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm xây dựng đề án tổng quan mía đường 1 triệu tấn đến năm 2000 (Đề án này đã được đưa vào Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IIX), đồng thời quyết định ngành mía đường là ngành xã hội hóa trong quá trình đầu tư, không dùng ngân sách cấp mà tự đi vay để đầu tư. Chương trình mía đường vẫn được tiến hành xây dựng nhà máy từ năm 1995 trong bối cảnh vừa làm nhà máy vừa phát triển vùng nguyên liệu. Đến năm 1997, xảy ra khủng hoảng tài chính khu vực Đông Nam Á, thêm vào đó, giá đường thế giới xuống đến đáy vào các năm 1998, năm 1999 và năm 2000, nhưng các nhà máy vẫn phấn đấu về đích và đạt được 1 triệu tấn đường vào năm 2000. Cụ thể là, đến năm 2000 có xấp xỉ 300 nghìn hecta mía; 44 nhà máy và đạt 1 triệu tấn đường; có 33 vạn hộ nông dân trồng mía; 1,6 triệu nông dân trồng mía và 35 vạn công nhân làm công nghiệp chế biến.

Lúc bấy giờ có chăng Nhà nước hỗ trợ cho ngành mía đường bằng cách tạo điều kiện cho nhà máy đi vay và được vay ưu đãi. Trước khủng hoảng tài chính năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định xử lý một số vấn đề tài chính cho chương trình mía đường. Thứ nhất, điều chỉnh lãi suất thương mại về lãi suất ưu đãi theo đúng như chỉ đạo ban đầu của Thủ tướng. Thứ hai, lúc bấy giờ vay ngoại tệ với tỷ giá là 11 nghìn/USD nhưng sau 3 - 4 năm, tỷ giá là 13 nghìn/USD, Chính phủ thấy do yếu tố trượt giá của nền kinh tế mang tính khách quan nên đã điều chỉnh lại chênh lệch tỷ giá và cấp bù chênh lệch.

Đến năm 2003, khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra khiến cho ngành mía đường lại tiếp tục gặp khó khăn. Trong khi đó, quản trị của doanh nghiệp lúc đó vẫn là doanh nghiệp nhà nước cho nên đến năm 2004, Chính phủ đã quyết định sắp xếp lại các doanh nghiệp mía đường gắn với xử lý tài chính, hay nói cách khác là thực hiện cổ phần hóa. Cho đến nay, 100% các công ty mía đường đã chuyển sang công ty cổ phần, nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.

- Sau khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007, những cam kết trong các hiệp định có liên quan đến lĩnh vực mía đường có được coi là bảo hộ riêng như nhiều người vẫn nghĩ không, thưa ông?

- Mặt hàng đường được các nước trên thế giới xác định là mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ đời sống, cho nên đây được coi là mặt hàng nhạy cảm trong vấn đề đàm phán. Trong các hiệp định thương mại đơn phương và đa phương, Việt Nam cũng phải chấp thuận theo đàm phán các nước. Vậy đây có phải là bảo hộ riêng của Việt Nam không hay đó là bảo hộ chung của toàn cầu? Các nước khi ký Hiệp định thương mại đơn phương và đa phương luôn được bảo hộ hạn ngạch thuế quan. Ngoài ra, họ còn có những chính sách hỗ trợ cho ngành mía đường phát triển bao gồm cả hỗ trợ cho mía và đường. Chẳng hạn như Thái Lan, Chính phủ có chính sách hỗ trợ là đối với nông dân qua việc quy định giá mía là 70-30 lợi nhuận (nông dân chiếm 70%, doanh nghiệp chiếm 30% lợi nhuận). Đối với giống, Chính phủ cấp cho Cục Trồng trọt của Bộ Nông nghiệp và Kinh tế hợp tác Thái Lan để hợp đồng với các trường đại học và viện nghiên cứu để nghiên cứu về giống. Sau khi giống mới được công nhận và đưa ra đại trà sẽ cấp không cho nông dân. Quỹ phát triển Thái Lan hàng năm hỗ trợ từ 1 -2% lãi suất để nông dân mua vật tư, thiết bị máy móc và cơ giới hóa…

Như vậy, ngành mía đường trong nước là một trong những ngành “tự bơi”. Tất nhiên có sự hỗ trợ của Nhà nước bằng chủ trương, chính sách và cơ chế nhưng chưa từng có chính sách riêng cho ngành mía đường. Vậy nên chúng ta rất khó để có thể cạnh tranh.

Quan tâm đến lợi ích nông dân

- Nếu lùi lại thời gian thực hiện cam kết theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đến năm 2020 sẽ có ý nghĩa như thế nào đối với ngành mía đường nước ta, thưa ông?

- Nếu lùi thời gian thực hiện Hiệp định này đến năm 2020 là đúng đắn. Bởi vì, nếu thực hiện đúng như cam kết ban đầu vào năm 2018 thì các nhà máy đường sẵn sàng chuyển sang nhập đường thô về luyện thành đường tinh để bán. Khi đó vô hình trung chúng ta trở thành gia công cho nước ngoài. Như vậy, thua thiệt nhất vẫn là người nông dân. Bởi, cây mía được coi là cây “xóa đói giảm nghèo” cho nhiều vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa. 33 vạn hộ nông dân sẽ ra sao khi không trồng mía?

Việc kéo thêm thời gian này sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp mía đường cũng như hàng vạn hộ nông dân trồng mía thích ứng, chuẩn bị cho hội nhập. Đặc biệt, để tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp, đặc biệt đối với nông dân tổ chức triển khai đề án tái cơ cấu, trong đó có tái cơ cấu ngành mía đường để giúp cây mía có chi phí sản xuất thấp nhất. Bởi vì, đặc điểm sản xuất nông nghiệp của nước ta là nhỏ lẻ và phân tán, nông dân sản xuất, canh tác bằng kinh nghiệm của mình nên muốn nâng năng suất, hạ chi phí sản xuất để hạ giá thành mía thì phải có thời gian để giúp nông dân chuyển đổi, cơ cấu lại. Quyết định của Chính phủ về tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới bắt đầu từ năm 2013. Trong khi đó, mía chiếm khoảng 80 - 85% giá thành của đường, nếu giá thành của mía cao thì đương nhiên giá thành của đường sẽ cao. Muốn giảm chi phí sản xuất của mía thì phải từ khâu thiết kế lại đồng ruộng, quy hoạch lại để tạo ra cánh đồng lớn, phải dồn điền đổi thửa, tổ chức hợp tác xã, tạo ra nông trại, trang trại, khi ấy mới áp dụng cơ giới hóa để giảm chi phí sản xuất.

Mặt khác, các nhà máy đường cũng đã chuẩn bị tinh thần cạnh tranh bằng việc nâng công suất thu hồi của nhà máy, thực hiện đa dạng hóa sản phẩm trong ngành mía đường và đồng thời nhiều nhà máy đã hỗ trợ ngược lại cho nông dân để giảm chi phí sản xuất, hạ giá thánh mía.

- Nếu những năm tới, vẫn có những doanh nghiệp không thể thay đổi được, làm ăn vẫn thua lỗ thì sao, thưa ông?

- Hiện nay có nhiều nhà máy có công suất từ 4.000 - 5.000 tấn trở lên. Chỉ còn một số nhà máy thời kỳ từ năm 1995 - 2000 nhập thiết bị của Trung Quốc với công suất 1.000 - 1.500 tấn mía, hiện tại đang gặp khó khăn. Những nhà máy này nếu như đến năm 2020 không tiếp tục vươn lên thì có thể phải đóng cửa.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Đại Biểu Nhân Dân

Nguồn: https://www.ttcgroup.vn/vi/linh-vuc/nong-nghiep/tin-tuc/can-co-thoi-gian-chuan-bi-de-hoi-nhap/

Chia sẻ với bạn bè qua:
Video clip
Hình ảnh hoạt động
Kỷ niệm 5 năm thành lập Chi đoàn Kỷ niệm 5 năm thành lập 8 tháng 3 8 tháng 3
Thống kê truy cập